Home » Nghề nghiệp
27 tháng 9, 2013
8 bí quyết phỏng vấn cho sinh viên năm cuối bạn đã biết
- Tìm cách để được phỏng vấn vào buổi sáng, thử đóng vai người phỏng vấn bạn, tìm ra những câu hỏi khiến bạn cảm thấy lo lắng nhất…
Khi bạn tìm việc, hầu hết tất cả mọi người đều đưa ra cho bạn những lời khuyên cơ bản “na ná” như nhau: viết một lá đơn xin việc thật hay, làm một lý lịch công việc phù hợp với công việc đang cần tuyển, tận dụng các mối quan hệ… Tuy nhiên, để thành công, bạn cần có một số bí quyết riêng.
Dưới đây là 8 bí quyết áp dụng cho các cuộc phỏng vấn xin việc mà rất có thể bạn chưa từng nghe qua. Nếu bạn áp dụng những bí quyết này, khả năng nhận được công việc mong muốn của bạn sẽ cao hơn:
1. Đọc những gì mà người phỏng vấn đọc
Bạn có thể đã đọc vô số bài báo cung cấp bí quyết phỏng vấn cho người tìm việc. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ đọc những bài viết cung cấp lời khuyên cho các nhà phỏng vấn? Bằng cách đọc những bài báo hướng dẫn và đưa ra lời khuyên cho nhà tuyển dụng, bạn có thể hiểu rõ về những gì mà họ muốn tìm kiếm ở bạn, và lý do vì sao họ lại hỏi một số câu hỏi nhất định trong quá trình phỏng vấn.
2. Tập dượt với một người bạn, nhưng bạn đóng vai người phỏng vấn
Các nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm trong việc phỏng vấn các ứng viên thường nói rằng, họ chẳng còn gì lo lắng trong các cuộc phỏng vấn xin việc của chính họ nữa, vì họ đã thực hiện quá nhiều cuộc phỏng vấn ở cương vị người đặt ra câu hỏi cho các ứng viên và thừa hiểu những suy nghĩ của người ở cương vị đó.
Bạn có thể tranh thủ điều này bằng cách “đóng vai” một người phỏng vấn. Nếu bạn có một người bạn khác cũng đang tìm việc, cả hai hãy tập dượt cùng nhau, thay nhau giữ vai trò người phỏng vấn để đưa ra các câu hỏi. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy cách này giúp cả hai bạn nâng cao độ tự tin lên nhiều lần khi bước vào cuộc phỏng vấn thực sự.
3. Xác định những câu hỏi khiến bạn cảm thấy lo lắng nhất
Nếu có một lĩnh vực câu hỏi phỏng vấn cụ thể mà bạn đặc biệt cảm thấy lo lắng, chẳng hạn vấn đề tiền lương hay lý do vì sao bạn nghỉ công việc gần nhất, thì đừng hy vọng bạn sẽ không bị hỏi đến hoặc bạn sẽ tìm ra một câu trả lời tốt trong giây lát. Thay vào đó, hãy đặt ra giả thiết là bạn sẽ bị hỏi những câu hỏi đó và tập dượt trả lời thật kỹ, thậm chí là tập trả lời to, rõ ràng. Bằng cách này, bạn sẽ không còn phải “phập phồng” hy vọng không bị hỏi đến chủ đề đáng lo kia, và bạn sẽ trả lời được trơn tru, gẫy gọn khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi.
4. Nỗ lực để được sắp xếp phỏng vấn vào buổi sáng nếu có thể
Nếu cuộc phỏng vấn diễn ra vào buổi chiều, hầu hết mọi người đều cảm thấy lo ngại suốt cả ngày hôm đó. Cảm giác căng thẳng thần kinh sẽ đeo bám bạn mỗi giờ qua đi. Bởi vậy, hãy tìm cách để được phỏng vấn vào buổi sáng trước khi sự lo lắng, hồi hộp “gặm nhấm” sự bình tĩnh và tự tin của bạn.
5. Hỏi trước xem ai sẽ là người phỏng vấn bạn
Sẽ hoàn toàn ổn nếu bạn đặt câu hỏi khi được xếp lịch phỏng vấn rằng: “Xin ông/bà cho biết tôi sẽ được ai phỏng vấn?” Nếu tìm hiểu trước, bạn sẽ không bị rơi vào tình huống bất ngờ, chẳng hạn như bạn dự kiến sẽ chỉ gặp một người phỏng vấn nhưng khi tới nơi mới biết là sẽ có hẳn một ban gồm 5 người cùng phỏng vấn bạn. Ngoài ra, khi biết trước, bạn có thể tìm hiểu thông tin về người phỏng vấn mình để hiểu một phần nào đó về họ, giúp bạn tự tin hơn và trả lời phù hợp hơn.
6. Đừng đến quá sớm
Hầu hết các nhà phỏng vấn đều cảm thấy bị làm phiền nếu các ứng viên tới sớm hơn 5-10 phút so với giờ phỏng vấn, vì họ có thể cảm thấy buộc phải bỏ dở công việc đang làm để ra đón tiếp bạn. Chắc chắn là bạn nên đến địa điểm phỏng vấn sớm đề phòng trường hợp xấu như xảy ra tắc đường, lạc đường… Tuy nhiên, đừng vào ngay công ty phỏng vấn bạn mà hãy đợi cho tới trước giờ hẹn 5 phút hãy vào.
7. Bỏ qua những lá thư giới thiệu
Bạn có thể nghĩ rằng, hồ sơ xin việc của mình sẽ hoàn thiện hơn nếu có những lá thư giới thiệu từ các sếp cũ. Tuy nhiên, việc xin thư giới thiệu sẽ chỉ gây mất thời gian của họ và của bạn. Trong trường hợp nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thông tin từ các công ty bạn từng làm việc qua, họ sẽ muốn nói chuyện trực tiếp với sếp cũ của bạn, có thể là qua điện thoại, để hỏi những câu hỏi của riêng họ và điều tra những thông tin mà có thể bạn muốn giấu.
Thêm vào đó, các nhà tuyển dụng thừa hiểu, không ai lại đưa ra những thông tin quan trọng trong các lá thư giới thiệu, nên họ xem những lá thư này không có giá trị gì. Bởi thế, hãy bỏ qua thư giới thiệu và chờ nhà tuyển dụng hỏi tới thông tin liên lạc với công ty cũ của bạn.
8. Sau cuộc phỏng vấn, hãy quên công việc mà bạn vừa phỏng vấn
Rất nhiều người tìm việc gần như “phát điên” sau các cuộc phỏng vấn. Họ tự hỏi cuộc phỏng vấn thế đã ổn chưa, lẽ ra mình phải trả lời thế kia chứ không phải như thế, và cố gắng phỏng đoán xem bao giờ thì nhà tuyển dụng gọi lại cho mình. Tuy nhiên, tốt hơn cả, bạn hãy gạt toàn bộ những gì đã diễn ra sang một bên để đầu óc được thoải mái.
Bạn có thể đánh dấu trên lịch để liên lạc với nhà tuyển dụng nếu bạn không nghe được thông tin gì từ họ sau 2 tuần kể từ khi được phỏng vấn. Nhưng cho thời điểm đó, đừng suy nghĩ thêm gì về công việc hay cuộc phỏng vấn đó nữa.
Nguồn: Dantri.com.vn
Phương Anh
Theo US News
Theo US News
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét